HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN LẦN 3
Hội nghị quốc tế về Bảo vệ Động vật hoang dã trong Y học Cổ truyền lần 3 nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền Y học Cổ truyền, thông qua việc loại bỏ sử dụng ĐVHD nguy cấp, quý hiếm, đồng thời khuyến khích cộng đồng Y học Cổ truyền trên toàn cầu sử dụng các giải pháp thay thế hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Hoạt động chính:
Nội dung
Trong khuôn khổ Hội nghị, với sự tham dự của khoảng 200 đại biểu đến từ trong và ngoài nước, đại diện cho nhiều lĩnh vực về khoa học sức khỏe, các chuyên gia và khách mời đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận và định hướng cách thức thúc đẩy thực hành Y học Cổ truyền bền vững và thân thiện với môi trường. Các bài trình bày cũng nhấn mạnh vào mối liên hệ giữa Y học Cổ truyền và công tác bảo tồn đa dạng sinh học - với trọng tâm là chấm dứt việc sử dụng các loài ĐVHD đang bị đe dọa.
Các chuyên gia đã trình bày các thách thức đang gặp phải và đề xuất các giải pháp phù hợp với bối cảnh thực tế tại khu vực của họ. Ngoài ra, các diễn giả cũng đã chia sẻ các thành tựu trong điều trị bằng các thành phần hoặc phương pháp thay thế như: sử dụng nguyên liệu thực vật thay vảy tê tê, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất dược liệu thay thế mật gấu và đề xuất châm cứu như là một phương pháp mang lại cùng kết quả với các thành phần từ động vật hoang dã. Bên cạnh đó, để thể hiện cam kết không sử dụng ĐVHD trong quá trình khám chữa bệnh, các đại biểu đã tham gia lễ ký cam kết, chính thức đưa Việt Nam gia nhập Mạng lưới Toàn cầu về Bảo vệ Động vật hoang dã trong Y học Cổ truyền.
Sự kiện lần này không chỉ góp phần định hình tương lai phát triển bền vững của nền Y học Cổ truyền Việt Nam và mở rộng tầm nhìn quốc tế cho người tham dự, mà còn kết nối cộng đồng thực hành, giới học thuật và các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước - mở ra nhiều cơ hội hợp tác. Nhiều đại biểu cũng đã bày tỏ mong muốn được đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu chung và xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu về thực hành Y học Cổ truyền không sử dụng ĐVHD.