
Vào ngày 18 tháng 5 năm 2025, các chuyên gia Y học cổ truyền từ khắp nơi trên thế giới đã quy tụ tại Huế, Việt Nam để tham dự Hội nghị quốc tế về Bảo vệ Động vật hoang dã trong Y học cổ truyền lần 3. Sự kiện này được tổ chức bởi Mạng lưới Bảo vệ Động vật hoang dã trong Y học cổ truyền và Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế với sự hỗ trợ của Công ty Không vì lợi nhuận Choice và sự định hướng từ WildAid với vai trò là đối tác cố vấn. Mười bốn diễn giả từ Trung Quốc, Hong Kong, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Hà Lan đã trình bày các kết quả nghiên cứu khoa học của họ và chứng minh cách điều trị hiệu quả cho bệnh nhân mà không cần sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp. Tổng cộng có 155 đại biểu tham dự hội nghị, bao gồm 118 y bác sĩ Việt Nam và 37 đại biểu quốc tế đến từ 13 quốc gia. Hội nghị đã đánh dấu một bước tiến lớn trong phong trào toàn cầu nhằm loại bỏ các loài nguy cấp khỏi y học cổ truyền và đề cao các giải pháp thay thế thân thiện với môi trường.
Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên thành lập chi nhánh của Mạng lưới, kết nối các chuyên gia y tế, nhà giáo dục và nhà nghiên cứu, những người cam kết xác định và áp dụng các chất thay thế hiệu quả có nguồn gốc từ thực vật cho các thành phần từ động vật. Trong suốt hội nghị, các diễn giả từ khắp nơi trên thế giới đã chia sẻ những kinh nghiệm hay nhất về y học bền vững và trình bày các ví dụ về phương pháp điều trị thành công bằng các giải pháp thay thế không có nguồn gốc từ động vật hoang dã, như thảo dược thay thế cho vảy tê tê, các chất thay thế mật gấu được sản xuất bằng công nghệ sinh học và châm cứu. Các chuyên gia đã nhấn mạnh mối liên kết chặt chẽ giữa y học cổ truyền và bảo tồn đa dạng sinh học, khuyến khích cộng đồng y tế tái định hình việc chữa bệnh một cách hài hòa với thiên nhiên.

Theo một nghiên cứu năm 2022 của TRAFFIC, 59% các y bác sĩ y học cổ truyền được khảo sát đã từng kê đơn các sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp – bao gồm các sản phẩm có nguồn gốc từ tê giác, hổ và tê tê – trong vòng hai năm trước đó. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có khoảng 400 loài động vật được sử dụng trong các bài thuốc cổ truyền ở Việt Nam, trong đó 71 loài có tên trong Sách Đỏ IUCN về các loài bị đe dọa. Nhưng tình thế đang thay đổi. Trong một cuộc khảo sát năm 2023 với 131 y bác sĩ tại tỉnh Thừa Thiên Huế do Mạng lưới thực hiện, 55% đã bày tỏ sự sẵn lòng áp dụng các loại thuốc được làm bằng các chất thay thế cho vảy tê tê, với lý do hàng đầu là tình trạng nguy cấp của các loài động vật hoang dã.
Để thể hiện công khai cam kết của mình, các đại biểu tham dự hội nghị đã tham gia một buổi lễ cam kết, trong đó họ đã chính thức tham gia với tư cách là thành viên mới của Mạng lưới Bảo vệ Động vật hoang dã trong Y học cổ truyền. Nhiều người tham dự đã bày tỏ sự quan tâm đến các cơ hội hợp tác trong tương lai, bao gồm nghiên cứu chung, quan hệ đối tác quốc tế và phát triển các chương trình đào tạo không sử dụng động vật hoang dã cho các y bác sĩ tương lai.
Về Mạng lưới Bảo vệ Động vật hoang dã trong Y học cổ truyền

Có trụ sở tại New York, Mạng lưới Bảo vệ Động vật hoang dã trong Y học cổ truyền là một tổ chức bao gồm các y bác sĩ, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu, nhà sản xuất và nhà phân phối Y học cổ truyền, những người tận tâm bảo vệ các loài nguy cấp và thúc đẩy thực hành bền vững trong Y học cổ truyền.
Được thành lập vào năm 2024 bởi các nhà lãnh đạo uy tín trong ngành – bao gồm GS. Lixing Lao (Hiệu trưởng Trường Đại học Y học tích hợp Virginia, Hoa Kỳ), GS. Yemeng Chen (Hiệu trưởng ĐH Y học cổ truyền New York) và Bà Lixin Huang (Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y học cổ truyền Hoa Kỳ). Mạng lưới tiếp tục kết nối các y bác sĩ, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và nhà sản xuất thảo dược trên toàn thế giới để hỗ trợ một tầm nhìn đạo đức và bền vững hơn cho y học cổ truyền.